TRUYỀN THÔNG VỀ KẾT QUẢ VÀ KINH NGHIỆM THỰC HIỆN DỰ ÁN NÂNG CẤP ĐÔ THỊ TẠI VIỆT NAM

Dự án Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long (MDR-UUP) là dự án thí điểm của “Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia – NUUP”. Dự án do Ngân hàng thế giới tài trợ với thời gian thực hiện là 5 năm, từ 2012 – 2017. Địa bàn thực hiện dự án bao gồm 6 thành phố là Cần Thơ, Cao Lãnh, Cà Mau, Rạch Giá, Mỹ Tho và Trà Vinh. Dự án được thiết kế gồm 5 hợp phần.

Hợp phần 1: Nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 3 trong các khu dân cư thu nhập thấp: Hợp phần này tập trung các hoạt động cải thiện cơ sở hạ tầng cấp 3 trong các khu dân cư được xác định thu nhập thấp. Việc nâng cấp được tiến hành đồng bộ cho các công trình cấp nước, thoát nước, đường hẻm, điện chiếu sáng, dịch vụ vệ sinh và quản lý chất thải rắn. Ngoài ra, việc phục hồi các công trình vệ sinh công cộng, y tế và giáo dục cũng sẽ được bao gồm trong hợp phần này nếu như cộng đồng dân cư xác định là những ưu tiên của họ.

Hợp phần 2: Hỗ trợ các công trình hạ tầng cấp 1&2: Dự án tài trợ cho việc cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cấp 1&2 tại những khu vực có yêu cầu. Nguồn đầu tư này chủ yếu tập trung vào việc cải thiện các công trình vệ sinh, mạng lưới cấp thoát nước, hệ thống cầu đường và khả năng tiếp cận với nguồn cung cấp nước sạch.

Hợp phần 3: Các khu tái định cư: Tài trợ cho việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội của các khu tái định cư (TĐC) đề xuất nhằm đáp ứng yêu cầu về nhà ở cho các hộ TĐC.

Hợp phần 4: Thực hiện và quản lý dự án: Hợp phần này cung cấp tài chính cho các hoạt động tăng cường năng lực của chính quyền địa phương và cộng đồng. Hạng mục này trợ giúp trong việc quy hoạch đô thị, quản lý đất đai và nhà ở tại đô thị. Hợp phần này cũng bao gồm các gói hỗ trợ kỹ thuật cho mỗi thành phố và Bộ Xây dựng để đảm bảo cho dự án được thực hiện theo các thủ tục của Ngân hàng Thế giới.

Hợp phần 5: Hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Xây dựng triển khai Chương trình Nâng cấp Đô thị quốc gia (NUUP) và điều phối dự án Nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các bộ, ban, ngành liên quan để tiếp tục phát triển và thực hiện chương trình Nâng cấp đô thị quốc gia, bao gồm việc xác định vai trò và trách nhiệm của các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, nâng cao năng lực thẩm định dự án và cung cấp tài chính cho việc tạo nguồn các dự án nâng cấp đô thị khả thi trong thời gian tới.

Tính đến hết năm 2017 các hoạt động của cả 5 hợp phần trên đây đã được triển khai thực hiện, dự án đã cơ bản hoàn thành nhiều hoạt động cũng như hạng mục công trình xây dựng. Hợp phần 1 của dự án đã có 171/ 180 km tuyến đường được xây mới và nâng cấp, 332/ 354 km đường ống thoát nước được cải thiện hoặc lắp đặt mới; 34.469/39.509 hộ dân được đấu nối nước sạch và 35.838/39.210 hộ gia đình được cải thiện nhà tiêu và đấu nối với đường ống thu gom nước thải. Hợp phần 2 của Dự án đã đầu tư vào các công trình hạ tầng cấp 1 và 2, bao gồm 51,18/57,45 km đường, 74,92/106,8 km đường cống nước thải. Tổng chiều dài kênh mương của hợp phần 1 và 2 đã được nâng cấp hoặc xây mới là 19,78/ 26,47 km.

Các công trình hoàn thành góp phần cải thiện bộ mặt đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp vào ổn định xã hội và tăng trưởng kinh tế, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng, cảnh quan và môi trường đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đóng góp vào ổn định xã hội và tăng trưởng kinh tế của các thành phố…

Quá trình thực hiện dự án cũng đúc kết được nhiều bài học kinh nhiệm có thể nhân rộng. Trung Tâm Phát Triển Xanh (Green.DC) và Công ty Cổ phần Truyền thông VTK được lựa chọn là liên danh thực hiện triển khai các hoạt động truyền thông với mục tiêu phổ biến kết quả và bài học kinh nghiệm thực hiện dự án Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia nói chung.

Các nhiệm vụ chính của liên danh bao gồm: Thu thập thông tin về kết quả thực hiện dự án, những tác động và hiệu quả của dự án, những bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình triển khai dự án; Xây dựng và sản xuất ấn phẩm truyền thông của dự án, bao gồm 4 sản phẩm là: Kỷ yếu dự án, Phim tư liệu dự án, Sách ảnh, Tài liệu về sáng kiến xanh – sạch – đẹp; Truyền thông, phổ biến kết quả và bài học kinh nghiệm của Dự án cho các tỉnh, thành phố khác trong cả nước thông qua: Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện dự án, Truyền hình, báo chí…

Nhiệm vụ này sẽ được triển khai dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2018.

Trung Tâm Phát Triển Xanh.

Previous articleQUẢN LÝ, VẬN HÀNH VÀ ỨNG DỤNG THIẾT BỊ CÔNG NGHỆ TRONG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Next articleNGUỒN ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ – CÁC THUẬN LỢI VÀ BẤT CẬP HIỆN NAY