Năng lượng sạch

Năng lượng sạch là nguồn năng lượng được sản xuất trên cơ sở chuyển hoá từ các nguồn năng lượng sơ cấp tái tạo, ít tác động tiêu cực đến môi trường như: thuỷ năng, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt, năng lượng thuỷ triều, nhiên liệu sinh học…

Năng lượng sạch cũng là năng lượng được sản xuất, cung cấp từ các nguồn năng lượng sơ cấp hóa thạch (than đá, sản phẩm dầu, khí đốt) và hạt nhân trên cơ sở sử dụng công nghệ chuyển hoá năng lượng là công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường với quá trình sản xuất, cung cấp năng lượng thực hiện nghiêm ngặt tuân thủ các quy định về môi trường.

Trong nhiều năm trở lại đây, năng lượng sạch được đầu tư nghiên cứu và khuyến khích sử dụng trên toàn thế giới nhằm giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, giảm ô nhiễm môi trường và được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế sự nóng lên của trái đất. Năng lượng sạch có tốc độ tăng trưởng mạnh hàng năm. Tăng nhanh nhất là điện mặt trời, điện năng phát ra tăng bình quân hằng năm từ pin mặt trời là 60% và từ các nhà máy điện tập trung nhiệt mặt trời là 43%, kế đến là điện gió 25% và nhiên liệu sinh học tăng 17% mỗi năm. Những quốc gia đi đầu và có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao là các nước thuộc châu Âu và Mỹ.

Tiềm năng phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam

Việt Nam là nước có tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng sạch nhờ có vị trí địa lý, địa hình, khí hậu thuận lợi đối với nhiều ngành như: thủy điện, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng mặt trời, thủy triều…

Thủy điện nhỏ: Việt Nam có thế mạnh về phát triển năng lượng thủy điện do có trên 3.450 sông, suối với tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 830 tỷ m3. Theo các báo cáo đánh giá gần đây nhất thì hiện nay có trên 1.000 địa điểm đã được xác định có tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ, qui mô từ 100kW tới 30MW với tổng công suất đặt trên 7.000MW.

Năng lượng gió: Nằm trong khu vực cận nhiệt đới gió mùa với bờ biển dài, Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW, tức là hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020.

Năng lượng sinh khối: Với đặc điểm là một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có nguồn sinh khối lớn và đa dạng từ gỗ củi, trấu, bã cà phê, rơm rạ và bã mía với gần 60 triệu tấn sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp, trong đó 40% được sử dụng đáp ứng nhu cầu năng lượng cho hộ gia đình và sản xuất điện. Ngoài ra còn có các nguồn sinh khối khác bao gồm sản phẩm từ gỗ, chất thải đô thị và chất thải gia súc

Năng lượng mặt trời: Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời, đặc biệt ở các vùng miền trung và miền nam của đất nước với ước tính tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ TOE. Nguồn năng lượng này có thể khai thác để sản xuất điện và cung cấp nhiệt…

Về điện năng thuỷ triều: Việt Nam có tiềm năng khai thác nguồn năng lượng thủy triều cao bởi có rất nhiều vũng, vịnh, cửa sông, đầm phá và đặc biệt là có đường bờ biển dài trên 3200km.

Về nhiên liệu sinh học: Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt sản lượng 1.8 triệu tấn xăng ethanol và dầu thực vật hay 5% nhu cầu xăng dầu vào năm 2025.

Năng lượng khí sinh học: Các nguồn khí sinh học: bãi rác, phân động vật, phụ phẩm nông nghiệp, nước thải….Tiềm năng khí sinh học khoảng 10 tỷ m3/năm.

Chính sách phát triển năng lượng sạch

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển năng lượng tái tạo, đề ra mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo và hướng đến một thị trường điện cạnh tranh với nguồn đầu tư và mô hình kinh doanh đa dạng. Cụ thể được quy định tại: Quyết định số 1855/QD-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2050; Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011: Phê duyệt quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2015 có xét đến năm 2030; Đặc biệt, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 2068/QĐ – TTg ngày 25/11/2015).

Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng thị phần của năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng thương mại sơ cấp từ 3% năm 2010 lên 5% năm 2020 và 11% năm 2050 (Quyết định số 1855/QD-TTg ngày 27/12/2007); Tăng tổng các nguồn năng lượng tái tạo sản xuất, sử dụng từ khoảng 25 triệu TOE (tấn dầu tương đương) vào năm 2015 lên đạt khoảng 37 triệu TOE vào năm 2020; khoảng 62 triệu TOE vào năm 2030 và 138 triệu TOE vào năm 2050 (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 2068/QĐ – TTg ngày 25/11/2015). Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp năm 2015 đạt khoảng 31,8%; khoảng 31% vào năm 2020; khoảng 32,3% vào năm 2030 và tăng lên đạt khoảng 44,0% vào năm 2050 (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 2068/QĐ – TTg ngày 25/11/2015).

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề ra mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của công nghệ năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp, xây dựng hệ thống công nghiệp năng lượng tái tạo: Đạt khoảng 30% vào năm 2020; nâng lên 60% vào năm 2050, đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước, một phần dành cho xuất khẩu đến các nước trong khu vực và trên thế giới.

Cùng với các chính sách định hướng phát triển năng lượng sạch, các chính sách hỗ trợ riêng cho các lĩnh vực năng lượng gió, thủy điện, sinh khối và chất thải để phát điện đã được ban hành, bao gồm: Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011: Về cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió; Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án sinh khối tại Việt Nam; Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam.

Trong năm 2014 và 2015, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư 32/2014/TT-BCT ngày 9/11/2014: Thông tư quy định về trình tự xây dựng, áp dụng Biểu giá chi phí tránh được và ban hành Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các nhà máy thủy điện nhỏ; Thông tư 32/2015/TT-BCT ngày 8/10 năm 2015 quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn;

Theo các văn bản hiện hành, các nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi tối đa cho tất cả các vấn đề liên quan đến các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối, thủy điện nhỏ… như miễn thuế thuê đất trong một khoảng thời gian nhất định, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu, giải phóng mặt bằng, và trích khấu hao tài sản cố định…

Các dự án năng lượng mặt trời và gió được xem là dự án theo cơ chế phát triển sạch (Quyết định 130/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007), nhà đầu tư được trợ cấp từ Nhà nước thông qua Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam cho sự chênh lệch giữa chi phí thực tế đầu vào và giá bán điện theo thoả thuận trong hợp đồng để cung cấp năng lượng được tạo ra bởi năng lượng mặt trời hay năng lượng gió (theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ).

Rào cản phát triển năng lượng tái tạo

Mặc dù đã có các chính sách và tiềm năng về phát triển năng lượng sạch là vô cùng lớn, lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn còn ở mức sơ khai và chưa phát triển. Thị phần năng lượng tái tạo trong tổng mức năng lượng của quốc gia còn thấp, số lượng các dự án đầu tư còn ít, công nghệ phát triển năng lượng sạch sản xuất trong nước chưa phát triển…

Nguyên nhân là do thiếu cơ chế hiệu quả và khả thi cho các nhà đầu tư có liên quan đến giá bán điện năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Hiện nay, giá bán điện tại Việt Nam luôn luôn là trở ngại cao nhất cho các nhà đầu tư vì luôn quá thấp so với các nước trong khu vực. Trong thực tế, giá mua bán điện của EVN luôn luôn thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế đầu vào của năng lượng tái tạo. Theo quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011, EVN sẽ phải trả 1.614 đồng (khoảng 0,078 USD) cho mỗi kilowatt điện gió được tạo ra, và Nhà nước sẽ trợ cấp một khoản 207 đồng (xấp xỉ 0,01 USD) thông qua Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam. Tuy nhiên, khoản trợ cấp là chưa đủ, thêm vào đó là hạn chế từ việc Quỹ bảo vệ môi trường chỉ có nguồn thu từ lệ phí bán chứng chỉ CERs. Do vậy, các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng khi đầu tư vào lĩnh vực này. Noài ra, còn thiếu văn bản thực hiện các biện pháp ưu đãi thuế và chi phí đầu tư ban đầu cho năng lượng sạch cao.

Đề xuất giải pháp

– Nhà nước có hành động đầu tư thiết thực và công bằng giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước với thành phần kinh tế tư nhân; Minh bạch và công khai lộ trình đầu tư năng lượng mới, năng lượng tái tạo;

– Loại bỏ hoàn toàn mọi trợ cấp năng lượng hóa thạch vì sự phụ thuộc của thế giới vào nhiên liệu hóa thạch đang đe dọa sự bền vững của môi trường, đồng thời tạo ra những nguy cơ ngắn hạn gây bất ổn chính trị đồng thời thực hiện chính sách khuyến khích minh bạch hơn đối với năng lượng sạch;

– Hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến để sản xuất các sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo như bếp và hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, pin mặt trời, turbine gió, biogas, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học…Từ đó nội địa hóa các sản phẩm tạo ra cả triệu việc làm.

– Nghiên cứu giải pháp để ngân hàng thương mại tham gia vào việc bảo lãnh các dự án đầu tư về phát triển công nghệ năng lượng sạch.

Cần ban hành thêm văn bản hướng dẫn thực hiện các biện pháp thực hiện như ưu đãi thuế. Hiện nay các chủ đầu tư dự án không thể tận dụng hết những quyền lợi mà các biện pháp ưu đãi thuế dành cho các nhà đầu tư do các cơ quan thuế quan không có hướng dẫn thực hiện những biện pháp này.

Previous articleChuyển giao công nghệ
Next articleThông báo về Hội thảo “Quản lý thu hồi và tiêu huỷ các chất F-Gas: Kinh nghiệm quốc tế và mô hình thử nghiệm tại Việt Nam”