KHẢO SÁT KIẾN THỨC – THÁI ĐỘ – HÀNH VI GIẢM NHẸ RỦI RO THIÊN TAI

Trên toàn cầu, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai, xếp thứ sáu trên thế giới về mức độ ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu và thảm họa rủi ro thiên tai. Các thảm họa thiên tai được ghi nhận khá đa dạng, gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, lụt, sạt lở, nước biển dâng, hạn hán, cháy rừng, sóng nóng, rét hại, xâm nhập mặn…

Thiên tai xảy ra trong những năm qua đã tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là trẻ em. Hiện tượng El Nino xảy ra năm 2015-2016 đã gây ra đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong hơn 60 năm qua ở nhiều vùng của Việt Nam, đặc biệt là các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ước tính khoảng 520.000 trẻ em và một triệu phụ nữ đã bị ảnh hưởng trong đợt hạn hán do suy dinh dưỡng và thiếu nước. Nhiều tỉnh bị ảnh hưởng nằm trong số các tỉnh có kết quả phát triển xã hội ở mức thấp. Hạn hạn xảy ra đe dọa trực tiếp đến khả năng tiếp cận các nguồn thực phẩm, nước sạch và giáo dục của trẻ em đồng thời cũng gây áp lực lên cộng đồng khi tỷ lệ bạo hành, bóc lột và lạm dụng trẻ em gia tăng.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai được dự báo ngày càng bất thường và nguy cơ gia tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự nóng lên trên toàn cầu. Việc cung cấp các kiến thức cũng như thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu các tác hại do thiên tai gây ra đã được triển khai trong nhiều năm qua ở Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ hiểu biết cũng như thái độ và thực hành các giải pháp phòng ngừa, ứng phó, phục hồi với thiên tai chưa được đánh giá một cách cụ thể.

Ảnh: Họp tham vấn với các Sở, ban, ngành của tỉnh Hà Tĩnh

Được sự tài trợ của UNICEF, Tổng Cục Phòng chống thiên tai – Bộ NN&PTNT chủ trì triển khai nghiên cứu có sự tham gia của cộng đồng và khảo sát kiến thức – thái độ –  hành vi về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại 06 tỉnh là: Sơn La, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Gia Lai và Cà Mau.. Trung tâm phát triển xanh là đơn vị được giao thực hiện nghiên cứu này.

Ảnh: Phỏng vấn sâu người dân

Nghiên cứu sẽ cung cấp các số liệu và dữ liệu định tính cũng như định lượng mang tính đại diện cho quốc gia. Số liệu thu được từ điều tra định lượng sẽ cho biết mức độ phổ biến của kiến thức, thái độ và hành vi của người dân, các bên liên quan về giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Bên cạnh đó, các thông tin từ khảo sát định tính với sự tham gia của cộng đồng sẽ cung cấp hiểu biết sâu về nguyên nhân của vấn đề cũng như các yếu tố xã hội và văn hóa ảnh hưởng đến quyết định của các nhóm đối tượng truyền thông. Kết quả của nghiên cứu sẽ cung cấp các dữ liệu đầu vào cần thiết để xây dựng Chiến lược truyền thông quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm, đồng thời cũng đưa ra những phân tích về hiện trạng về kiến thức, thái độ và hành vi của người dân đối với vấn đề rủi ro thiên tai nhằm tham khảo cho việc xây dựng chính sách và lập các kế hoạch hành động về giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở Việt Nam.

Ảnh: Phỏng vấn sâu người dân

Nghiên cứu dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 5/2019.

Trung Tâm Phát Triển Xanh.

Previous articleĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG Ở VIỆT NAM
Next articleVIỆT NAM – NHẬT BẢN ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VỀ CÔNG NGHỆ NĂNG LƯỢNG SẠCH