CÔNG NGHỆ VẬN CHUYỂN RÁC KHÔNG PHÁT THẢI 6R

Ngày 4/1/2019 Trung tâm Phát triển Xanh (Green.DC) phối hợp với tập đoàn MILAI Corporation và Công ty Mitsubishi UFJ Morgan Standley Securities Co.,Ltd đã tổ chức hội thảo “Thúc đẩy công nghệ vận tải không phát thải và chất thải phát điện 6R”.

Hội thảo là một hoạt động thuộc dự án “Thúc đẩy công nghệ vận tải không phát thải và chất thải phát điện” do Bộ Môi trường Nhật Bản tài trợ trong khuôn khổ Chương trình hợp tác về tăng trưởng cacbon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản theo Cơ chế tín chỉ chung (JCM). Mục tiêu của dự án là nhằm thúc đẩy việc sử dụng phương tiện vận tải chất thải phát thải thấp và xử lý chất thải để phát điện. Dự án được triển khai từ năm 2018, thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Đăng – Đại học tài nguyên môi trường Hà Nội, trình bày “Nghiên cứu hiệu quả hoạt động của hệ thống thu gom và vận chuyển chất thải rắn ở Việt Nam”

Là nước có tốc độ phát triển đô thị nhanh, lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng nhanh, nhu cầu thu gom và xử lý rác thải ngày càng lớn. Ở các đô thị, phương tiện thu gom và vận chuyển rác thải khá đa dạng, trong đó các phương tiện chủ yếu là xe mô tô chở rác tự chế, xe tải nhỏ, xe chuyên dụng… Tất cả các phương tiện này đều sử dụng nhiên liệu đốt là dầu.

Theo kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ dự án, quá trình từ thu gom đến vận chuyển rác thải đến bãi chôn lấp đều phát thải CO2, gây ô nhiễm không khí và gây ra lãng phí nhiên liệu. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam, sản xuất điện năng chủ yếu từ các nhà máy thủy điện và nhiệt điện than thì quan điểm sử dụng xe điện là một phương tiện không phát thải CO2 là chưa hoàn toàn chính xác vì trong quá trình sản xuất điện đã phát thải CO2.

Ông Hatayama – Giám đốc điều hành Tập đoàn MILAI Corporation, trưởng dự án, trình bày “Công nghệ vận tải không phát thải và chất thải phát điện”.

Để giải quyết tối đa những tác nhân gây phát thải, Dự án đã xây dựng và thí điểm một quy trình tuần hoàn không phát thải CO2 bằng cách áp dụng 2 mô hình: công nghệ vận tải không phát thải và xử lý chất thải để phát điện. Quy trình này được gọi là chu trình 6R (reduce, reuse, recycle, re-trieve, re-generate và re-charge). Quy trình được áp dụng như sau: Rác hữu cơ sau thu gom sẽ được vận chuyển đưa đến nhà máy xử lý, tại đây rác được sấy khô (80% xuống còn 20% ẩm) và chế biến thành than mùn, sau đó than mùn được khí hóa, khí gas này được cấp cho máy phát điện để sản xuất điện năng, lượng điện năng này được dùng để sạc pin cho loại xe điện thu gom rác thải. Trên xe vận chuyển rác, cũng lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời để bổ sung nguồn điện trong điều kiện thời tiết có nắng.

Ảnh minh họa: Công nghệ vận chuyển rác không phát thải 6R thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ước tính, khi mô hình này được nhân rộng, sẽ giải quyết được đáng kể các tác nhân gây phát thải CO2 trong quá trình thu gom và vận chuyển rác thải, góp phần chống ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững và tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển rác.

Trung Tâm Phát Triển Xanh.

Previous articlePHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ GIAI ĐOẠN 2019 – 2030
Next articleKHUYẾN KHÍCH THỰC HIỆN MÔ HÌNH EAP SẼ MANG NHIỀU LỢI ÍCH THIẾT THỰC CHO DN